Điều mà mọi người quan tâm nhất khi mua một chiếc máy tính/laptop, đó là máy tính đó có chạy nhanh không? Có đáp ứng được nhu cầu của mình. Bài đăng này, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách kiểm tra thông số kỹ thuật của một chiếc máy tính.
Hiệu năng máy tính và tính đáp ứng của máy tính đối với nhu cầu sử dụng của bạn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:
+ CPU: Tốc độ xử lý, tập lệnh hỗ trợ, kiến trúc, bộ nhớ cache L1, L2, L3... Mình lấy một ví dụ: cũng cùng là CPU Intel Core i3, nhưng thế hệ Broadwell sản xuất trên tiến trình 14 nm sẽ tiết kiệm năng lượng hơn so với thế hệ Core i3 Haswell sản xuất trên tiến trình 22 nm; đồng thời, tốc độ xử lý đồ họa của card đồ họa tích hợp, tốc độ tính toán, xử lý... của những con chip Core i3 thế hệ sau sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với thế hệ trước do được tối ưu tốt hơn mặc dù chúng có cùng xung nhịp xử lý.
+ RAM: Dung lượng bộ nhớ RAM, tốc độ bus. Thông thường, bạn sẽ thường chú ý đến dung lượng RAM, nhưng tốc độ bus cũng là một thông số quan trọng. Mình lấy một ví dụ đơn giản để bạn dễ hiểu về tốc độ bus: Thanh RAM 2 GB mình giả định như con đường rộng 2 m, có thể chứa nhiều xe, thanh RAM 4 GB chắc chắc là con đường rộng 4 m, sẽ chứa được nhiều xe gấp đôi so với thanh RAM 2 GB. Còn tốc độ bus chính là vận tốc xe đang chạy trên thanh RAM, một thanh RAM có tốc độ bus 1600 MHz có nghĩa là xe chạy nhanh hơn gấp đôi so với thanh RAM có tốc độ bus 800 MHz. Như vậy, dung lượng RAM quyết định việc chứa số lượng dữ liệu cần xử lý khi bạn chạy phần mềm trên máy tính, dung lượng RAM nhiều đồng nghĩa với việc máy tính bạn chạy đa nhiệm mượt, hỗ trợ nhiều phần mềm nặng như biên tập video, games 3D... còn tốc độ bus sẽ quyết định tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh hay chậm, tốc độ bus nhanh sẽ giúp cho việc xử lý dữ liệu trở nên nhanh hơn, phần mềm chạy nhanh hơn, mượt mà hơn.
+ Card màn hình: Tùy theo nhu cầu của bạn, bạn có thể sử dụng card màn hình rời cho các tác vụ như biên tập video, chơi games 3D... nếu nhu cầu của bạn chỉ dừng lại ở các thể loại games nhẹ, xem phim, lướt web... thì hiện tại các card onboard tích hợp sẵn trong chip Intel đều dư sức đảm đương rồi.
+ Loại ổ cứng: Tùy theo nhu cầu lưu trữ ít hay nhiều bạn có thể lựa chọn loại ổ cứng có dung lương bao nhiêu cho phù hợp. Để đảm bảo hiệu năng, bạn cần quan tâm đến tốc độ truy xuất dữ liệu của ổ cứng. Hiện tại có 2 loại ổ cứng đó là ổ cứng cơ truyền thống HDD và ổ cứng thể rắn SSD. Ổ cứng thể rắn cho một tốc độ truy xuất dữ liệu vượt trội so với HDD, tuy nhiên giá thành lại cao. Nếu bạn mua ổ cứng HDD, mình chỉ khuyên bạn chú ý tới số vòng quay của ổ cứng. Nếu bạn đòi hỏi tốc độ đọc/ghi dữ liệu nhanh mà không suy nghĩ đến vấn đề hao pin (trên laptop), máy nóng thì chọn ổ HDD có số vòng quay 7200 rpm, còn nếu bạn muốn độ an toàn về dữ liệu, laptop bớt nóng, hoạt động bền bỉ, thì chọn HDD có số vòng quay 5400 rpm.
+ Độ phân giải, kích thước màn hình: Nếu bạn sử dụng máy tính để bàn, việc trang bị một màn hình có độ phân giải Full HD sẽ cho bạn một trải nghiệm tuyệt vời, thế nhưng với laptop thì sao? Tùy theo nhu cầu của bạn: di chuyển nhiều hay ít, dùng cho công việc hay giải trí, tiết kiệm pin hay hiệu năng... mà lựa chọn kích thước màn hình to hay nhỏ. độ phân giải thấp hoặc cao cho phù hợp, vì màn hình thường là bộ phận tốn nhiều năng lượng nhất. Độ phân giải cao, kích thước màn hình lớn sẽ tỷ lệ thuận với việc tiêu tốn pin laptop của bạn.
+ Mainboard: Đối với laptop, bạn không thể tự lựa chọn mainboard được, nhưng đối với máy tính để bàn, bạn phải lựa chọn một bo mạch chủ phù hợp; độ bền của hệ thống máy tính, việc dễ dàng nâng cấp cấu hình phụ thuộc hoàn toàn vào mainboard.
Hiệu năng của hệ thống máy tính không chỉ nằm ở tốc độ xử lý của CPU, dung lượng RAM... mà là tổng hòa của rất nhiều yếu tố phần cứng, bên cạnh đó còn có sự tương thích của phần mềm... Những ý mình nêu ra ở trên là một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu năng máy tính và tính đáp ứng của máy tính đối với nhu cầu sử dụng của bạn. Tùy vào chi phí, tùy vào mục đích sử dụng, bạn hãy chọn cho mình một chiếc máy tính phù hợp.