Năm 1796, Gauss (Nhà toán học Carl Friedrich Gauss, 1777-1855) khi ấy 19 tuổi và đang là sinh viên đại học ở nước Đức. Một tối nọ, Gauss ngồi làm 3 bài toán khó được thầy giáo hướng dẫn giao riêng. Thông thường, người thầy chỉ giao 2 bài nhưng hôm nay lại giao thêm. Gauss khi ấy cảm thấy khó hiểu nhưng vẫn cố gắng làm hết.
Với hai bài toán đầu tiên, Gauss làm rất thuận lợi, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ là giải quyết xong. Tuy nhiên bài toán thứ ba lại khó ngoài sức tưởng tượng. Theo đó bài toán này được viết trên một mảnh giấy nhỏ, yêu cầu: Chỉ dùng compa và thước thẳng để vẽ (dựng) một hình đa giác đều có đúng 17 cạnh.
Càng làm, Gauss càng cảm thấy căng thẳng nhưng lúc đó ông chỉ nghĩ, bài toán là thử thách đặc biệt mà thầy giáo muốn giao cho mình. Tuy nhiên giải mãi mà Gauss vẫn không tìm ra được đáp án. Ông "nghĩ nát óc" cũng không biết cần vận dụng kiến thức nào đối với bài toán này. Cảm thấy bị khiêu chiến, Gauss quyết định phải giải bằng được. Cuối cùng, ông mất trọn một đêm để tìm ra đáp án.
Sáng hôm sau, Gauss xấu hổ nói với thầy giáo: "Thầy giao cho em đề toán thứ ba em đã phải làm tròn một đêm, em đã phụ sự bồi dưỡng của thầy". Người thầy khi ấy mới kinh ngạc cầm lấy bài toán lên xem.
Phải mất một lúc, thầy giáo mới có thể bình tĩnh nhưng giọng điệu vẫn run run: "Bài này là do em làm thật sao?". Gauss sau đó gật đầu, vẫn ái ngại vì mình phải mất một đêm mới làm xong bài. Thầy giáo lập tức yêu cầu Gauss ngồi xuống và làm lại bài tập trước mặt ông.
Người thầy cũng cho biết, mình không có chủ ý giao bài này cho Gauss mà chỉ vô tình kẹp nhầm vào phần bài tập giao cho ông. Nhiều năm sau, khi nhớ lại câu chuyện này, Gauss cho biết: "Nếu có người nói cho tôi biết đó là một đề toán khó, có lịch sử hơn 2000 năm chưa ai giải được, tôi sẽ không thể giải được nó trong vòng một đêm".
Câu nói này cũng là bài học cho việc, nếu chúng ta không biết vấn đề mà chúng ta đang đối mặt khó khăn như thế nào, có lẽ là chúng ta sẽ thực hiện nó tốt, hơn là vạch ra rất nhiều thử thách rồi buông xuôi.
Nguồn: www.mathvn.com