Hiện nay, máy vi tính là một trong những vật dụng không thể thiếu đối với mỗi chúng ta trong công việc, cũng như trong cuộc sống hằng ngày.
Thế nhưng, có khi nào bạn tự hỏi: Máy vi tính ra đời khi nào? Quá trình phát triển của máy vi tính ra sao? Những ai đã đặt nền móng cho sự phát triển của máy vi tính?...
Với bài đăng này, mình sẽ cùng bạn đi tìm hiểu lịch sử của máy vi tính từ những nền móng đầu tiên cho đến ngày hôm nay.
Bài viết được mình trích dẫn từ bộ sách: "Hãy đến với thế giới của máy vi tính" của nhà sách Cadasa. Hi vọng qua bài đăng này, bạn sẽ khám phá được nhiều điều thú vị và bổ ích cho bản thân.
KHỞI ĐẦU
Vào năm 1971, tiến sĩ Ted Hoff đã đặt tất cả các bộ phận của bộ xử lý của máy tính (computer processor) trên một mạch điện tử (chip) được làm bằng hợp chất silicon nhỏ hơn 2 inch vuông. Kết quả là bộ vi xử lý (microprocessor) đầu tiên được ra đời có tên Intel 4004. Máy điện toán với bộ xử lý có kênh truyền dữ liệu 4 bit này có thể chứa hơn 2.300 linh kiện bán dẫn (transitor) (được phát minh vào năm 1948) có thể thực hiện 60.000 chỉ thị trong một giây. Do được thiết kế để sử dụng trong máy tính cho nên chỉ được bán với giá 200 Mỹ kim, thế nhưng hơn 100.000 máy tính sử dụng mạch điện tử Intel 4004 (chip Intel 4004) đã được bán ra trên thị trường. Ngay sau đó con chip này được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, mở đường cho thế giới máy tính và cho việc sản xuất hàng loạt các mạch điện tử (chip) mà có thể chứa đến hàng triệu transitor.
NĂM 1975
Máy vi tính đầu tiên ra đời có tên Altair 880 được gọi là "máy tính cá nhân". Nó có bộ nhớ 64 KB và có cấu trúc kênh truyền dữ liệu 100 line. Máy tính Altair 880 này được sản xuất thành bộ và do người sử dụng tự ráp lại, bán với giá khoảng 400 Mỹ kim.
Hai sinh viên trẻ, Paul Allen và Bill Gates, đã phát triển ra ngôn ngữ BASIC sử dụng cho máy tính Altair. Mùa hè năm 1975, hai sinh viên này thành lập công ty đặt tên là Microsoft và phát triển thành công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới.
Ngôn ngữ lập trình C được Brian Kernighan và Dennis Ritchie viết ra trong phòng thực nghiệm Bell và nhanh chóng trở thành ngôn ngữ chuyên nghiệp phổ biến nhất sử dụng cho việc phát triển các ứng dụng về sau.
NĂM 1976
Steve Wozniak và Steve Jobs chế tạo ra máy tính Apple I. Mặc dù không mạnh bằng máy Altair nhưng có phần rẻ hơn và kém phức tạp hơn. Người sử dụng phải kết nối bàn phím (keyboard) và màn hình (video display) và có thể tùy thích chọn gắn bo mạch chủ (motherboard) trong hộp kim loại, hộp gỗ hay trong vali xách tay. Wozniak và Jobs thành lập công ty máy tính Apple vào ngày 01/04, tên Apple (tiếng Anh có nghĩa là trái táo) có được là do sở thích của họ thích ăn loại trái cây này.
NĂM 1977
Máy tính Apple thế hệ thứ II ra đời được lắp trong thùng chứa và có sẵn bàn phím. Người sử dụng phải dùng TV làm màn hình. Các loại máy tính được lắp sẵn trọn bộ có thương hiệu như Radio Shack, Commodore và Apple đã làm sôi động thì trường chung. Do vào thời bấy giờ, công chúng và các doanh nghiệp không biết phải làm gì với các loại máy mới này nên việc kinh doanh có phần chậm chạp.
Công ty Datapoint Corporation công bố mạng máy tính có nguồn tài nguyên đính kèm (Attached Resource Computing Network - ARCNet), kỹ thuật mạng cục bộ LAN (Local Area Networks) đầu tiên được sử dụng cho các trình ứng dụng trong máy vi tính.
NĂM 1978
Bộ vi xử lý 8086-16 bit, do hãng Intel cho ra đời, đưa ra tiêu chuẩn mới trong việc sử dụng điện năng, công suất cũng như tốc độ làm việc của bộ vi xử lý.
Công ty Epson công bố cho ra đời máy in kim MX-80, có khả năng vận hành cao và giá cả tương đối thấp (Công ty Epson Nhật thành lập các chi nhánh ở Mỹ vào năm 1975 như là Epson America, Inc. và sau đó trở thành một trong những liên doanh nước ngoài đầu tiên góp phần vào việc phát triển công nghiệp máy tính. Và thời điểm này đó chỉ là những công ty của Mỹ. Theo đánh giá của công ty Epson, họ đã chiếm 60% thị phần với máy in kim MX-80).
NĂM 1979
Hãng Intel giới thiệu bộ vi xử lý 8088, có cấu trúc nội 16 bit và đường truyền ngoại 8 bit.
Hãng Motorola giới thiệu con chip 68000, sử dụng cho các loại máy Macintosh thế hệ đầu.
Công ty phần mềm Software Arts cho ra đời VisiCalc, chương trình phần mềm bảng tính đầu tiên cho máy tính cá nhân. Chương trình VisiCalc nhìn chung chiếm được thị hiếu của công chúng và từ đó được xem như là chương trình làm nền cho máy tính cá nhân trong thế giới thương mại.
Bob Metcalf, người phát triển ra mạng cục bộ theo định ước Ethernet, đã thành lập công ty 3Com để phát trên nên các sản phẩm làm việc trên mạng dựa trên định ước Ethernet. Mang cục bộ Ethernet sau này phát triển thành hệ thống mạng được sử dụng rộng rãi khắp thế giới.
Công ty MicroPro International giới thiệu phần mềm WordStar, chương trình xử lý văn bản đầu tiên thành công nhất cho các loại máy vi tính tương thích IBM.
NĂM 1980
Hãng IBM chọn công ty Microsoft (do Bill Gates và Paul Allen đồng sáng lập) là nhà cung cấp hệ điều hành cho các máy tính cá nhân sau này. Công ty Microsoft mua chương trình Q-DOS (Quick and Dirty Operating System) do công ty Seattle Computer Products viết ra và tu chỉnh lại để chạy trên các phần cứng IBM.
Bộ vi xử lý mạch đơn (single-chip microprocessor) Bellmac-32 với cấu trúc nội 32 bit và đường truyền ngoại 32 bit được phát minh ra tại phòng thực nghiệm Bell.
Công ty Lotus Development Corporation cho ra đời chương trình bảng tính tổ hợp Lotus 1-2-3 kết hợp với đồ họa bảng tính và các đặc điểm dữ liệu trong cùng một chương trình.
NĂM 1981
Hãng IBM giới thiệu máy tính IBM-PC với bộ vi xử lý Intel 8088 có tốc độ 4,77 MHz, bộ nhớ 16 KB, bàn phím, màn hình và một hoặc hai ổ đĩa mềm 5,25 inch với giá 2.495 Mỹ kim.
Hãng Hayes Microcomputer Products giới thiệu SmartModem 300 và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong công nghệ máy tính.
Hãng Xerox cho ra đời máy tính Xerox Star. Do giá thành cao nên việc kinh doanh trở nên thất bại, nhưng các đặc điểm của nó làm dấy lên khuynh hướng mới trong việc thiết kế máy tính. Hộp nhỏ được đặt trên bánh xe (hình thức con chuột - Mouse - đầu tiên) có thể thi hành lệnh trên màn hình (hình thức giao diện đồ họa đầu tiên).
NĂM 1982
Hãng Intel cho ra đời bộ vi xử lý 80286, 16 bit.
AutoCAD là chương trình được ra đời để thiết kế vật thể hai chiều (2-D) và 3 chiều (3-D). AutoCAD làm một cuộc cách mạng trong các ngành công nghiệp kiến trúc và công nghệ.
Cùng với việc phát triển ra TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol - Giao thức kiểm soát việc truyền số liệu/giao thức mạng), thuật ngữ Internet ra đời và lần đầu tiên được sử dụng để mô tả hệ thống mạng toàn cầu xuất phát từ mạng ARPANET. (Advanced Research Projects Agency Networks - Mạng Máy Tính Toàn Cục do Cơ Quan Quản Lý Các Dự Án Nghiên Cứu Cao Cấp của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ).
NĂM 1983
Tạp chí Time bình chọn máy tính là "Máy nổi bật nhất trong năm 1983". đánh giá cao vai trò mới của máy tính trong xã hội.
Công ty máy tính Apple giới thiệu máy tính hiệu Lisa đầu tiên với hệ điều hành bằng đồ họa và một con chuột. Nền công nghệ máy tính lại được khởi hứng, tuy nhiên người tiêu dùng không mặn mà cho lắm với giá 10.000 Mỹ kim một máy.
Hãng IBM tung ra máy tính IBM-PC XT, cơ bản là máy tính với một ổ đĩa cứng và bộ nhớ lớn hơn. Mãy tính XT có thể lưu trữ các chương trình và dữ liệu trên ổ đĩa cứng có dung lượng 10 MB được lắp sẵn trong máy.
Phiên bản đầu tiên của ngôn ngữ lập trình C++ được phát triển, cho phép các chương trình được viết theo từng mảng độc lập có thể tái sử dụng được gọi là đối tượng.
Máy tính xách tay hiệu Compaq ra đời, đó là máy tính phỏng theo 100% sự tương thích PC thành công nhất của hãng Compaq. Mặc dù nặng đến 28 pounds (= 13 kg), nhưng nó vẫn được xách đi khắp nơi.
NĂM 1984
Công ty Adobe Systems cho ra đời phần mềm PostScript, chương trình quản lý việc in ấn, cho phép các máy in in ra các trang rõ ràng trong một số kiểu chữ cũng như là các hình ảnh đồ họa chi tiết.
Công ty máy điện toán Apple giới thiệu máy vi tính Macintosh.
Hãng IBM tung ra máy tính IBM-PC AT, thế hệ máy tính chạy với tốc độ 6 MHz, sử dụng bộ xử lý Intel 80286, điều này đã đưa ra tiêu chuẩn cho các máy tính cá nhân chạy trên hệ điều hành DOS.
Hãng IBM giới thiệu hệ thống mạng Token Ring, có thể gởi lượng thông tin lớn với tốc độ truyền 4 Mbs và năm sau đó tăng lên 16 Mbs.
Công ty Satellite Software International giới thiệu chương trình xử lý văn bản WordPerfect.
NĂM 1985
Hãng Intel cho ra đời bộ vi xử lý 80386 - 32 bit (còn gọi là máy tính 386), có thể lưu trữ 4 tỷ byte trong bộ nhớ và chạy nhanh hơn thế hệ 80286 gấp 10 lần.
Hãng Aldus cho ra đời PageMaker cho máy tính Macintosh, phần mềm chế bản điện tử đầu tiên cho máy vi tính. Được kết hợp với máy in laser của công ty máy tính Apple và phần mềm in ấn PostScript của hãng Adobe, phần mềm chế bản PageMaker mở ra kỷ nguyên mới cho ngành chế bản điện tử.
Công ty Microsoft công bố phần mềm Windows phiên bản 1.0 mang đặc điểm giao diện đồ họa đầu tiên cho các máy tính cá nhân.
Hãng Hewlett-Packard giới thiệu máy in laser Laser Jet có độ phân giải 300 dpi.
(Còn tiếp)