Một hai năm trở lại đây, kể từ khi các nhà mạng ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) cung cấp dịch vụ di động ra thị trường. Chưa bao giờ mình thấy giá cước truy cập internet di động lại trở nên rẻ và tuyệt vời đến như thế. Vì sao mình gọi là rẻ và tuyệt vời? Bởi lẽ, trước khi các nhà mạng ảo ra đời, giá dịch vụ truy cập internet di động không hề rẻ, một phần là sự cạnh tranh chỉ giữa 3 ông lớn Viettel, Mobifone và Vinaphone cũng không có gì quá khốc liệt. Mình còn nhớ, gói MIMAX của Viettel giá 70k chúng ta được lưu lượng truy cập internet là 3Gb/tháng, hết 3Gb là hết truy cập được luôn. Nay, may mà có các nhà mạng ảo, đặc biệt là nhà mạng Wintel đã "làm mưa làm gió" trong mấy tháng trở lại đây với gói cước WIN55 (Hiện tại thì đã có gói cước WIN60 thay thế) cho phép bạn truy cập internet trên điện thoại di động/máy tính bảng không giới hạn dung lượng cũng như không bóp băng thông. Mình thực sự rất thích gói cước này, bởi lẽ, hàng tháng chỉ tốn 55k, mình có thể bật internet trên điện thoại 24/24, thỏa mái xài mạng tẹt ga mà không lo câu chuyện "viêm màng túi" vì sử dụng internet quá nhiều như ngày xưa nữa.
Tuy nhiên, câu chuyện truy cập internet không giới hạn của Wintel là khi bạn sử dụng internet trực tiếp trên điện thoại/máy tính bảng. Nếu sử dụng để phát wifi hotspot, Wintel sẽ giới hạn dung lượng phát wifi chỉ có 3Gb (đối với gói cước WIN55) hoặc 5Gb (đối với gói cước WIN60). Điều này cũng dễ hiểu vì để tránh câu chuyện chúng ta lạm dụng gói cước quá rẻ mà sử dụng wifi hotspot Wintel thay thế cho mạng internet cáp quang ở nhà, đồng thời, nếu sử dụng kiểu wifi hotspot cũng sẽ xảy ra câu chuyện lưu lượng internet di động sử dụng sẽ phát sinh cực lớn sẽ ảnh hưởng đến phần nào đó đối với doanh thu của Wintel cũng như chất lượng internet 4G của nhà mạng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Và thực tế, các bạn cũng biết rồi đấy, ở Việt Nam chúng ta có câu nói đùa đó là "Chuyện gì cũng có thể xảy ra", đặc biệt là câu chuyện "thích xài chùa". Việc "lách luật" để có thể sử dụng internet wifi hotspot không giới hạn lưu lượng đã xảy ra, đó là đánh lừa Wintel là mình đang sử dụng internet trực tiếp từ điện thoại/máy tính bảng chứ không phải từ phát wifi hotspot. Những cách này đang được chia sẻ công khai trên mạng internet mà đối với bất kỳ ai - chỉ cần có một chút kiến thức về công nghệ công tin là có thể làm được.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm sao để đánh lừa được Wintel? câu chuyện rất đơn giản từ thông số TTL (Time to Live) trên dữ liệu mạng internet. Bài đăng này mình không đi sâu vào câu chuyện TTL là gì (Bạn có thể tìm hiểu thông tin này trên internet). Các điện thoại/máy tính bảng hiện tại của chúng ta thông số mặc định TTL sẽ là 64. Nghĩa là, khi gói tin từ điện thoại/máy tính bảng của chúng ta gửi đến Wintel có TTL là 64 thì Wintel sẽ hiểu đó là chúng ta sử dụng internet trực tiếp từ điện thoại/máy tính bảng và sẽ không trừ data trong phần wifi hotspot. Ngược lại, nếu TTL mà Wintel nhận được không phải là 64, Wintel sẽ hiểu là bạn đang xài internet qua wifi hotspot và hiển nhiên sẽ trừ data đó trong phần wifi hotspot.
Lợi dụng điểm này, nhiều bạn (mà trong đó cũng có cả mình) đã xài internet từ Wintel tẹt ga không chỉ cho mỗi một cái điện thoại, mà thậm chí có thể thay thế cho mạng internet cáp quang ở nhà, kết nối gần chục thiết bị từ camera an ninh, ổ cắm điện thông minh, máy lọc không khí, robot hút bụi, smart TV, điện thoại... Thực sự, nếu so sánh với gói cước FTTH 165k/tháng đang sử dụng bao lâu nay với việc sử dụng internet từ con sim Wintel này, bản thân mình nhận thấy sự khác biệt sẽ không là bao nhiêu; Chưa kể, việc đầu tư rẻ nhất để thay thế cáp quang từ con sim Wintel giá cả cũng rất phải chăng. Nếu bạn mua router có tích hợp sẵn sim 4G thì giá cao, nên bạn có thể mua 01 USB 4G LTE giá rẻ tầm 180k, 01 con router Xiaomi MINI như mình đang xài giá cũng tầm 180k, và 01 sim Wintel WIN60 là 80k. Như vậy là sử dụng ok rồi. Nếu tài chính của bạn cao hơn, bạn đầu tư hẳn router xịn để chịu tải cao và card mạng 4G xịn nữa thì xài còn ngon hơn nữa.
Thực sự, cảm nhận của mình về các gói cước không giới hạn internet di động của Wintel đó là vừa hay nhưng lại vừa không hay cho lắm. Cái hay ở đây đó là cung cấp cho người Việt Nam chúng ta giải pháp sử dụng internet trên điện thoại/máy tính bảng với giá cả cực cực rẻ. Chỉ với 60k/tháng (gói WIN60) mà sử dụng internet max băng thông không suy nghĩ gì cả. Nếu so sánh với Viettel, họ cũng có gói cước không giới hạn, nhưng lại bóp băng thông. Như gói UMAX90 giá 90k/tháng của họ chỉ max băng thông trong 15Gb đầu, sau đó chỉ chạy với băng thông 3Mbps khá chậm.
Vậy điểm không hay lắm ở đây là gì? Đó chính là quá dễ dàng để chúng ta có thể "lách luật" xài chùa internet với giá rẻ bèo mà chỉ cần hiểu biết sơ sơ về công nghệ thông tin hoặc chịu khó đọc một vài hướng dẫn là có thể làm được. Thực ra việc "xài chùa" internet di động ở Việt Nam không hề mới, thậm chí với cả con sim không đăng kí gói cước nào, tài khoản 0 đồng vẫn có thể xài internet tẹt ga bằng các giải pháp như V2ray... nhưng đòi hỏi bạn phải am hiểu về công nghệ thông tin mới có thể làm được. Chính Wintel vô tình làm cho mọi người tự nhiên có cách sử dụng mạng miễn phí, có thể thay thể cả mạng cáp quang với giá cực rẻ mà chẳng cần am hiểu nhiều về công nghệ. Thực sự, với cương vị là người dùng, việc xài chùa, xài rẻ cũng thích lắm chứ, nhưng dễ dàng thực hiện quá đến nỗi ai cũng làm được thì mình lại thấy cũng không hay lắm.