1. Hãy cho mình thời gian trấn tĩnh. Bạn đang bị khủng hoảng, vì một lý do nào đó hoặc bởi tất cả các lý do đó cộng lại. Người khác nói rằng: Bạn phải thế này, bạn phải thế kia... Dù vậy, họ không phải là bạn để hiểu. Nên hãy cho mình khoảng thời gian để định thần lại mọi thứ. 1-2 ngày chẳng hạn. Bạn hãy dành nó để khóc, để làm bất cứ thứ gì mình thích. Sau đó, hãy suy nghĩ về những điều mình đang trải qua, và nghĩ đến một vài điều mình cần phải làm để vượt qua tình trạng tồi tệ hiện tại.
2. Đừng ngủ quá nhiều. Việc ngủ nhiều sẽ làm mọi thứ càng thêm tệ hại, khiến tinh thần bạn rệu rã, để rồi khi thức dậy bạn sẽ thấy rằng chẳng có việc gì có ý nghĩa với bạn nữa.
3. Tránh xa các bản nhạc buồn. Bạn nghĩ rằng nó sẽ hợp với tâm trạng của bạn lúc đó, nhưng không, nó sẽ (một lần nữa) kéo tinh thần của bạn xuống vực thẳm.
4. Hãy ra đường và hít thở. Việc hít thở sâu sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
5. Tập thể dục thể thao. Khi bạn đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng, hãy tìm đến một môn thể dục thể thao nào đó, hãy chọn những môn khiến bạn phải vận động nhiều (dance sport, sexy dance...), hay những môn mang lại cho bạn cảm giác mới lạ phiêu lưu (leo núi trong nhà, trượt patin...). Những môn thể thao như thế không chỉ mang đến cho bạn sức khoẻ, tinh thần phấn chấn, mà hơn cả còn giúp bạn có cơ hội giao lưu, kết bạn và tìm thấy niềm vui mới.
6. Hãy tìm đến những người bạn. Đừng đóng cửa thế giới của bạn lại. Hãy gọi điện cho những người bạn mà bạn tin tưởng, gặp họ, đơn giản chỉ để nói: “Cậu có thể ôm tớ một chút được không?”
7. Hãy ở bên gia đình. Dù bạn có nói với những người thân những chuyện bạn đang phải trải qua hay không, thì việc ở bên gia đình lúc khủng hoảng chính là liều thuốc an thần cực kì tốt. Sự vui vẻ, không khí gia đình ấm áp sẽ khiến bạn hiểu rằng: Ít ra, ở nơi này luôn có người sẵn sàng chờ đón bạn!
8. Đừng buông lỏng bản thân. Đây là giai đoạn bạn dễ bị sa ngã nhất. Nhưng hãy trấn tĩnh, nghĩ một chút nhé, rằng có đáng không, khi bạn để ai đó làm bạn tổn thương thêm lần nữa?
9. Hãy nghĩ về những điều tích cực và tốt đẹp của bản thân bạn. Bạn sẽ nhận ra bạn là một con người tuyệt vời và đáng trân trọng biết bao.
10. Hãy viết ra giấy điều bạn quan tâm nhất lúc này: Học tập, công việc... và tập trung cho nó. Bạn đã đánh mất một thứ, đừng để mất thêm những thứ khác.
11. Lên một vài mục tiêu ngắn hạn.
Ví dụ: Ba tháng nữa bạn muốn đi du lịch, hoặc mua một món đồ gì đó bạn vô cùng thích. Hãy lên kế hoạch để làm điều đó (bao nhiêu tiền thì đủ, cách kiếm tiền, sắp xếp thời gian, tìm hiểu thông tin...)
12. Hãy làm việc tốt. Dù là những việc nho nhỏ mỗi ngày, hay việc thử tham gia vào một chuyến đi tình nguyện. Cảm giác mình là người-có-ích sẽ giúp tâm trạng của bạn tốt lên rất nhiều.
13. Nói chuyện với mọi người nhiều hơn. Dù là những người thân thiết xung quanh hay những người bạn mới quen biết. Việc nói chuyện sẽ giúp bạn thêm cởi mở, vui vẻ, có thêm những câu chuyện mới, và phát huy thêm những ý tưởng.
14. Cuối cùng, hãy nhớ ghi lại chính xác thời điểm bạn cảm thấy khủng khoảng. Để rồi khi trải qua, bạn sẽ nhìn lại “cột mốc” đó và nhận ra rằng: “Thời gian thật diệu kì và mọi thứ rồi sẽ ổn”. Nó sẽ chính là niềm-tin-có-thật, để bạn tin tưởng rằng, dù lần sau bạn có trải qua cơn khủng hoảng lớn lao thế nào, thì mọi việc rồi cũng sẽ qua cả!
Theo fb.com/AwakePower