BIOS/MBR và UEFI/GPT là gì?

Một máy tính có hiệu năng mạnh mẽ là sự kết hợp hài hòa giữa phần cứng và phần mềm; nếu một máy tính có thông số phần cứng mạnh nhưng chạy các chuẩn phần mềm cũ kỹ thì chưa hẳn hiệu năng sẽ tốt hơn so với một máy tính có thông số phần cứng yếu hơn nhưng chạy với các chuẩn phần mềm mới nhất.
Bài đăng này, mình sẽ đưa ra cho bạn sự so sánh giữa ổ cứng chạy chuẩn MBR GPT; so sánh phần mềm kiểm tra tính toàn vẹn hệ thống BIOS UEFI. Mình sẽ không thiên về các khái niệm kỹ thuật, chỉ nêu ra những ưu, nhược điểm của từng thứ.

So sánh giữa MBR và GPT:

MBR GPT đều là hai tiêu chuẩn của ổ cứng quy định cách thức nhập xuất dữ liệu, sắp xếp và phân vùng ổ đĩa.

MBR:

- Ra đời từ những năm 1983 trên các máy tính IBM.

- Hỗ trợ phân vùng ổ cứng dung lượng tối đa 2 TB (2048 GB).

- Hỗ trợ tối đa 4 phân vùng trên ổ đĩa cứng.

- Hỗ trợ tất các các phiên bản hệ điều hành Windows.

- Hỗ trợ cả BIOS UEFI.

GPT:

- Mới ra đời trong những năm gần đây.

- Hỗ trợ phân vùng ổ cứng dung lượng tới 1 ZB (1 tỷ TB).

- Hỗ trợ không giới hạn phân vùng trên ổ đĩa cứng, giới hạn này chỉ phụ thuộc vào hệ điều hành, với Windows là tối đa 128 phân vùng.

- Chỉ hỗ trợ các phiên bản Windows 7 trở về sau chạy trên kiến trúc 64 bit.

- Chỉ hỗ trợ UEFI.

Về mặt kỹ thuật, ổ cứng với chuẩn GPT sẽ khắc phục lỗi mất, hư hỏng dữ liệu dễ dàng hơn so với chuẩn MBR. Do vậy, để tránh các hỏng hóc phát sinh, bạn nên sử dụng chuẩn GPT sẽ tốt hơn so với chuẩn MBR.

So sánh giữa BIOS và UEFI:
BIOS là viết tắt của cụm từ "Basic Input/Output System" (Hệ thống Đầu vào/Đầu ra Cơ bản). Đúng như tên gọi, khi bạn nhấn phím nguồn để bật máy tính, BIOS sẽ được khởi chạy đầu tiên với nhiệm vụ là "đánh thức" từng linh kiện có trong máy tính và kiểm tra xem những linh kiện đó có hoạt động hay không, khi mà tất cả các linh kiện trong máy tính đều hoạt động thì BIOS sẽ chuyển nhiệm vụ kiểm soát lại cho hệ điều hành. Nếu có một linh kiện nào đó bị lỗi, BIOS sẽ thông báo lỗi và phát ra những tiếng bíp từ loa máy tính (ví dụ như lỏng RAM chẳng hạn).

UEFI là viết tắt tiếng Anh của Unified Extensible Firmware Interface, dịch là "Giao diện firmware mở rộng hợp nhất" là công nghệ tương lai thay thế cho BIOS, UEFI có đầy đủ các tính năng tương tự như BIOS nhưng vì là đàn em sinh sau nên UEFI mang nhiều ưu điểm hơn BIOS như:

- Khả năng khởi động máy tính cực nhanh nhờ việc nạp và kiểm tra hệ thống nhanh hơn BIOS, nếu như máy tính được gắn nhiều thiết bị ngoại vi như USB, ổ cứng gắn ngoài... thì BIOS sẽ gặp nhiều khó khăn khi khởi động, thì UEFI sẽ khắc phục triệt để vấn đề này.

- Tích hợp sẵn một số tính năng sửa lỗi cơ bản kèm kết nối mạng giúp nhà quản trị khắc phục sự cố máy tính tốt hơn.

- Hỗ trợ ổ cứng dung lượng cao, nếu như BIOS không thể khởi động máy tính có phân vùng ổ cứng dung lượng trên 2 TB, thì UEFI có thể khởi động máy tính có phân vùng ổ cứng dung lượng lên tới 9,4 ZB (với 1 ZB = 1 tỷ TB).

- Tính năng Secure Boot có trong UEFI giúp máy tính an toàn hơn khi khởi động, ngăn ngừa các rootkit thay đổi bootloader nhằm kiểm soát máy tính của bạn.

- Giao diện trình điều khiển của UEFI trực quan, dễ hiểu, dễ sử dụng hơn nhiều so với BIOS, hỗ trợ tốt hơn quá trình ép xung CPU...

Các máy tính hiện nay thường sử dụng theo cặp nếu dùng BIOS thì sẽ dùng ổ cứng chuẩn MBR còn nếu dùng UEFI thì sẽ dùng ổ cứng chuẩn GPT. Bạn không thể dùng ổ cứng chuẩn GPT trên máy tính dùng BIOS nhưng có thể dùng cả hai chuẩn ổ cứng GPT MBR trên UEFI. Tuy nhiên nếu sử dụng UEFI thì bạn nên dùng ổ cứng chuẩn GPT để phát huy được lợi thế của chuẩn mới này.

Lời kết: Với hệ thống máy tính ngày càng phát triển, UEFI/GPT tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với BIOS/MBR về rất nhiều vấn đề: Hỗ trợ nhiều phân vùng ổ cứng, hỗ trợ ổ cứng dung lượng cao, tính năng Secure Boot giúp máy tính khởi động an toàn, dễ dàng khôi phục dữ liệu bị mất, và đặc biệt là giúp máy tính khởi động cực nhanh.

Mặc dù các nhà sản xuất máy tính hiện này đều tích hợp sẵn cả BIOS UEFI cho máy tính. Nhưng nếu bạn chỉ sử dụng một hệ điều hành duy nhất, bạn nên định dạng ổ cứng theo chuẩn GPT và sử dụng UEFI để phát huy được những ưu điểm mà chuẩn mới này mang lại.