Máy tính bạn đang sử dụng chuẩn UEFI, trong quá trình sử dụng bạn có ghost lại máy với phần mềm Acronis True Image. Và tại một thời điểm nào đó, bạn có restore lại hệ điều hành.
Ưu điểm của Acronis True Image đó là cho phép bạn backup lại hệ điều hành sử dụng chuẩn UEFI, tuy nhiên, việc restore lại hay gặp một số lỗi vặt, thường là thất bại với nguyên nhân rất hài như khác nhãn đĩa.
Để hạn chế lỗi này, bạn dùng MiniTool Partition Winzard xóa luôn cả phân vùng hệ điều hành Windows, phân vùng Recovery, phân vùng hệ thống EFI thành một phân vùng chung Uallocated rồi sau đó restore lại hệ điều hành (Cách làm này đảm bảo thành công 100% - bạn nào thấy xóa phân vùng hệ thống khởi động EFI hay run tay sợ hư máy thì cứ yên tâm đi nhé!).
Tuy nhiên, với cách trên thì khi khôi phục máy tính thành công, bạn khởi động lại vào Menu Boot, máy tính sẽ hiển thị tới những 2 Windows Boot Manager trùng nhau như hình dưới đây:
Nguyên nhân là do trong bộ nhớ NVRAM lúc này lưu giữa 2 cấu hình Windows Boot Manager. Mặc dù cũng là 1 bản Windows, tuy nhiên khi xóa cả 3 phân vùng (Windows, Recovery, EFI) và restore lại, thì lúc này hệ thống tự tạo ra 1 Windows Boot Manager mới và dùng luôn cái đó nên mới thừa ra 1 cái Windows Boot Manager cũ - chính là Windows Boot Manager mà máy tính đã dùng trước khi máy tính restore.
Cũng chính vì được lưu trên NVRAM và sử dụng chuẩn UEFI nên bạn không thể xóa cái Windows Boot Manager cũ bằng cách vào msconfig chuyển sang tab Boot được, vì msconfig cũng chỉ hiện mỗi một hệ điều hành Windows mà bạn đang sử dụng.
Nhiều bạn còn dùng cách fix boot bằng lệnh bootrec.exe trong giao diện Command Prompt từ đĩa khôi phục Windows; hay trong menu Troubleshoot - Advanced options có từ hệ điều hành Windows 8 trở đi. Cách nếu thành công thì có lẽ bạn đang sử dụng chuẩn BIOS - MBR chứ không phải UEFI - GPT.
Để xóa Windows Boot Manager cũ đối với máy tính sử dụng chuẩn UEFI - GPT, trong hệ điều hành Windows mà máy tính vừa mới khôi phục xong, bạn chạy Command Prompt với quyền admin rồi nhập dòng lệnh sau và nhấn Enter:
bcdedit /enum firmware
Lúc này, Command Prompt sẽ hiện ra tất cả thành phần mà Menu Boot hiển thị, bạn xác định Windows Boot Manager cũ trong các dòng Firmware Application, nó sẽ có trong mục description (Do máy mình xóa rồi nên hình minh họa dưới đây sẽ không có):
Sau khi xác định xong, bạn copy mục identifier; là dòng chứa các ký tự chữ, số tùm lum, bạn copy luôn cả hai dấu ngoặc {} nhé.
Cuối cùng, bạn chạy lệnh sau và nhấn Enter:
bcdedit /delete {dán dòng chứa ký tự chữ, số tùm lum có luôn 2 dấu ngoặc mà bạn copy ở trên}
Lưu ý: Bạn phải xác định chính xác identifier của Windows Boot Manager cũ và chắc chắn xóa đúng mục description của nó, vì lệnh bcdedit có nghĩa là bạn đang cấu hình lại hệ thống boot EFI, nếu xảy ra lỗi hoặc xóa nhầm dòng, đặc biệt là dòng USB, CD... có khi bạn không boot được bằng USB hay đĩa CD luôn!
Chúc bạn thành công!