Windows 10 - Nỗi ám ảnh của máy tính dùng ổ cứng HDD

Điều hiển nhiên, mình vẫn xác định với bạn rằng Windows 10 có rất nhiều điểm mới, những ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với những phiên bản Windows tiền nhiệm như hỗ trợ nhiều tính năng mới hữu ích (Tự động xóa tập tin rác, reset lại hệ điều hành như mới mà không cần cài Win lại), có kho ứng dụng Microsoft Store khá phong phú, tích hợp những ứng dụng cần thiết (Mail, Bản đồ, Thời tiết...), sử dụng tốt cho màn hình cảm ứng, giao diện hiện đại, bắt mắt...
Tuy nhiên, có một điều mà mình thấy từ lúc ra mắt cho đến khi trải qua rất rất nhiều bản cập nhật lớn mà Windows 10 vẫn chưa khắc phục được đó là lỗi full disk. Lỗi này gặp trên ổ cứng HDD. Rất khó chịu! Ngay cả khi bạn vừa khởi động máy tính, chưa mở một phần mềm nào, hoặc chỉ chạy những phần mềm nhẹ nhàng của hệ thống mà lỗi full disk vẫn xuất hiện. Khó chịu ở chỗ máy tính bạn khi ấy chạy chậm cực kì, mở phần mềm nào cũng chậm, giật, lag, đơ... gây ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm sử dụng máy tính của bạn.

Ngay cả khi bạn tham khảo một số cách hạn chế lỗi full disk trên mạng internet. Đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không giải quyết một cách vĩnh viễn, lỗi này vẫn sẽ lặp đi lặp lại và vẫn tiếp tục gây sự ức chế, bực bội...
Cách đơn giản nhất chỉ có thể là bạn sắm cho máy tính mình một ổ SSD để chứa Windows. Đảm bảo Windows 10 sẽ chạy cực kỳ trơn tru, mượt mà và vĩnh viễn không bao giờ gặp lỗi full disk nữa.

Nhưng mà, câu chuyện là bạn có chấp nhận bỏ thêm một khoảng tiền nữa để đầu tư thêm ổ SSD không (Khoảng tầm trên dưới 01 triệu tùy chất lượng cũng như dung lượng lưu trữ của ổ SSD). Mà dù bạn chấp nhận đi chăng nữa thì với laptop lại là chuyện khác. Laptop không dễ nâng cấp như máy tính bàn cũng như nếu laptop bạn còn trong thời hạn bảo hành, việc tự ý tháo máy sẽ làm mất đi bảo hành của laptop, chưa kể nếu bạn không biết cách tháo máy, khả năng laptop của bạn khi lắp vào lại sẽ dư ốc vít, tệ hơn nữa là hư luôn cũng có thể xảy ra.

Quả thật, với mình, lỗi full disk gặp phải trên ổ HDD của Windows 10 thực sự là một nỗi ám ảnh. Dù cho cấu hình máy tính bạn có thật sự mạnh đến mấy, nhưng nếu chỉ trang bị ổ cứng HDD, việc máy bị lag, đơ, giật, chạy chậm... do lỗi full disk trên Windows 10 là điều không thể tránh khỏi và cách duy nhất là bạn nâng cấp lên ổ SSD mà thôi.

Còn những thứ khác thì sao? Đối với mình mục Setting của Windows 10 vẫn còn khó sử dụng và rối rắm hơn so với Control Panel của Windows 7. Chưa kể giao diện Window 10 là sự kết hợp giữa chế độ nhập liệu từ bàn phím, chuột với chế độ nhập liệu bằng màn hình cảm ứng. Nên, khi so với Windows 7 cùng chế độ nhập liệu từ bàn phím, chuột, mình vẫn thấy Windows 7 vẫn cho một trải nghiệm tốt hơn.

Sắp tới đây, Microsoft sẽ không còn hỗ trợ Windows 7 nữa. Nhưng với mình, những gì mà Windows 10 đã và đang thể hiện vẫn chưa đủ sức thuyết phục mình cần phải thay đổi. Windows 7 vẫn tốt, vẫn mượt, vẫn ổn định, không bị lỗi full disk khó chịu như Windows 10.

Hi vọng Microsoft sẽ cải tiến Windows 10 tốt hơn nữa trong thời gian tới.