Nói đến "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" là ta nghĩ ngay đến các trò nghịch ngợm tinh quái của các cô cậu học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" không chỉ có mỗi ý nghĩa như vậy mà nó còn có một ý nghĩa khác, xuất phát từ tục lệ khoa cử khi xưa.
Câu "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" vốn xuất phát từ điển tích người âm báo ơn báo oán. Theo quan niệm này, người xưa cho rằng việc một sĩ tử đi thi đỗ hay trượt là do phần "âm đức" của tổ tiên kiếp trước tích tụ ra sao. Nếu làm nhiều việc thiện thì sẽ được trả ơn, làm nhiều việc ác sẽ bị báo oán. Tương ứng với vận mệnh đỗ hay trượt của thí sinh.
Theo đó, khi sĩ tử nhập trường, các sĩ tử phải làm lều chõng - bút mực - quyển tập... quan Chánh Chủ tế cáo giời, đất, vua, thần thánh, khai xong tên, tuổi, quê, quán, và khấn to:
"Báo oán giả, tiên nhập!
Báo ân giả, thứ nhập !
Sĩ tử, thứ thứ nhập!"
Nghĩa là:
"Những kẻ muốn báo oán vào trước.
Những kẻ muốn báo ân vào sau.
Sĩ tử vào cuối cùng…"
Như thế chẳng phải ma, quỷ lần lượt thứ nhất, thứ hai bước vào trường thi, thứ ba mới là sĩ tử. Đúng cho câu: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Ngày nay có lẽ do nhiều lý do mà câu nói "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" có nhiều cách giải thích và nhiều cách hiểu khác nhau.